TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HẢI PHÒNG (13/5/1955 - 13/5/2025)





Phần 2/3. CUỘC CHIẾN ĐẤU BA TRĂM NGÀY GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (7/1954 - 5/1955), Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu toàn thắng” đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 đã tạo ra những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ. Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, quân đội Pháp ở phía Nam giới tuyến. Lịch rút quân và chuyển quân của quân đội Pháp được quy định: Chu vi Hà Nội 80 ngày, chu vi Hải Dương 100 ngày, chu vi Hải Phòng 300 ngày.
Là vị trí chiến lược quan trọng nhất của khu tập kết 300 ngày. Với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An, sân bay Đồ Sơn… Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gài gián điệp trước khi rút khỏi miền Bắc.
Ngay sau khi ký kết, Pháp đã trắng trợn vi phạm Hiệp định bằng hành động vây ráp bắt lính, cướp đoạt tài sản, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nghiêm trọng hơn là âm mưu thâm độc cưỡng ép, dụ dỗ nhân dân miền Bắc di cư, phá hoại và chuyên chở máy móc tài sản vào Nam… Được Mỹ trực tiếp chỉ huy, quân đội Pháp và các đảng phái phản động ráo riết hoạt động, để phục vụ cho âm mưu phá hoại việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Chúng một mặt luôn tìm cách dụ dỗ và cưỡng bức quần chúng di cư vào nam, nhất là với quần chúng tôn giáo, mặt khác tiến hành những hoạt động phá hoại trên các mặt cơ sở kinh tế, văn hóa... trước khi chúng rút đi. Chính vì thế cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ nói chung, tiếp quản Hải Phòng nói riêng tuy là không có tiếng súng, không phải chiến đấu vũ trang như trước đó, nhưng cũng hết sức cam go. Đảng bộ thành phố Hải Phòng cùng với nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, dụ dỗ cưỡng bức… di cư vào Nam, tuyên truyền để làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Tuy là không ngăn chặn được toàn bộ nhưng cũng làm thất bại một phần ý đồ của đối phương.
Ngoài các hình thức tuyên truyền, tích cực vận động quần chúng đấu tranh bảo vệ các cơ sở kinh tế, các cơ sở văn hóa mà trong đó nổi lên là đấu tranh giai cấp công nhân trong thành phố, bảo vệ các nhà máy, cơ sở sản xuất, không cho địch tháo dỡ các chi tiết, kỹ thuật hoặc các bản sơ đồ về máy móc, trang thiết bị nhằm giữ vững và ổn định sản xuất sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955 quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Và từ đây miền Bắc bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên XHCN.
Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất cảng, của dân tộc.
Lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Ngày 13/5-/1955, mãi mãi khắc sâu vào trí nhớ người dân đất Cảng giờ phút vinh quang hào hùng của thành phố “Trung dũng- Quyết thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi ngày giải phóng Hải Phòng. Ngày 18/5/1955, trên Báo Nhân dân, Người xúc động viết lên những dòng cảm mến tự hào: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ, gái trai, đủ các tầng lớp toả ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu đã kết quả vẻ vang. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Hải Phòng đã hoàn toàn giải phóng”. Thành phố Hải Phòng và khu 300 ngày được giải phóng, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
* Ý nghĩa lịch sử cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng
Một là, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hải Phòng trở thành địa bàn cuối cùng ở miền Bắc còn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh 300 ngày tiếp quản thành phố thể hiện sự khéo léo, bản lĩnh chính trị của Đảng, kết hợp đấu tranh ngoại giao, quân sự và quần chúng để buộc Pháp rút lui trong hòa bình, bảo toàn nguyên vẹn cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân.
Hai là, mở ra một chương sử mới, thời kỳ phát triển mới: Thắng lợi của cuộc đấu tranh là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, kinh tế, thương mại và quốc phòng trọng yếu của miền Bắc, góp phần quan trọng xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ba là, khẳng định sức mạnh của Nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc: Thắng lợi của cuộc đấu tranh và tiếp quản thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thể hiện sự kiên trì đấu tranh, không sợ hy sinh, luôn luôn tin tưởng và đi theo đường lối chủ trưởng của Đảng, không khuất phục trước sự kiểm soát của thực dân Pháp trong suốt 300 ngày của quân và dân Hải Phòng - Kiến An. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của quân và dân thành phố Cảng, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cách mạng Việt Nam.
* Bài học kinh nghiệm
Cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng không chỉ là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi toàn diện của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn để lại nhiều bài học quý báu trong công tác lãnh đạo, tổ chức đấu tranh, tiếp quản chính quyền và phát triển đất nước. Những bài học này tiếp tục được vận dụng linh hoạt trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.
Một là, về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng: Thực tiễn cuộc đấu tranh cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi. Đảng ta đã đề ra chủ trương đấu tranh hòa bình, sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao và quần chúng thay vì đối đầu quân sự, giúp bảo toàn lực lượng, giữ vững trật tự xã hội và đảm bảo tiếp quản thành phố an toàn.
Hai là, về phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân: Cuộc đấu tranh 300 ngày cho thấy vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Nhân dân Hải Phòng – Kiến An đã kiên trì đấu tranh dưới nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình, vận động binh lính Pháp, chống lại các âm mưu lôi kéo, phá hoại của các thế lực phản động.
Ba là, về đấu tranh chính trị, ngoại giao khéo léo: Việc tiếp quản Hải Phòng – Kiến An trong hòa bình thể hiện nghệ thuật đấu tranh chính trị, ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết của Đảng và Chính phủ ta. Trong suốt 300 ngày, ta kiên trì yêu cầu Pháp thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời ngăn chặn những âm mưu trì hoãn, gây rối.
Bốn là, về bảo vệ chính quyền cách mạng và ổn định xã hội: Ngay từ khi tiếp quản, Đảng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn, xáo trộn. Điều này giúp chính quyền cách mạng nhanh chóng đi vào hoạt động, tổ chức sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân.
Năm là, về phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới: Hải Phòng là một trung tâm công nghiệp, thương mại và cảng biển quan trọng. Việc tiếp quản thành phố trong hòa bình giúp bảo toàn cơ sở vật chất, duy trì hoạt động sản xuất, thương mại và từng bước khôi phục nền kinh tế.
(còn nữa)
(Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hải Phòng)