TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HẢI PHÒNG (13/5/1955 - 13/5/2025)





Phần 3/3. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA ĐẢNG BỘ, QUÂN VÀ DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TRONG 70 NĂM CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội
Giai đoạn (1955-1965), Đảng bộ, quân và Nhân dân thành phố đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa, thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa. Thành phố đã tập trung khôi phục các nhà máy, xí nghiệp bị tàn phá trong chiến tranh. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp dần được ổn định và phát triển. Cảng Hải Phòng trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của miền Bắc với thế giới. Hệ thống giao thông, điện, nước và các công trình công cộng được khôi phục và xây dựng mới. Thành phố từng bước thay đổi diện mạo, trở nên khang trang hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được ổn định. Các chính sách hỗ trợ được triển khai để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn sau chiến tranh... Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào sự phục hồi và phát triển của Hải Phòng, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong những năm tiếp theo.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ và Nhân dân Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, phong toả của đế quốc Mỹ, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cho đồng bào miền Nam tình cảm sâu sắc với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Vì Đà Nẵng - Gò Công kết nghĩa” và đi đầu trong thực hiện phong trào “Thóc không thiếu cân, quân không thiếu người”, tiến lên “Thóc thừa cân, quân thừa người”, làm tròn trách nhiệm của thành phố Cảng, hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Liên tục 11 năm (1965-1975) hoàn thành và hoàn thành vượt mức 30 đợt tuyển quân (đạt 103,9% chỉ tiêu); tỷ lệ tuyển quân đạt 9,45% so với dân số. Kể từ trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ trên đảo Bạch Long Vĩ (ngày 26/3/1965) đến chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu trên 4.000 trận, bắn rơi 317 máy bay Mỹ (có 5 chiếc B-52), bắt sống 16 giặc lái Mỹ; 8 lần bắn cháy tàu chiến địch. Xây dựng chiến tranh nhân dân trên biển, tổ chức theo dõi, rà phá, tháo gỡ 895 quả bom, thủy lôi, bảo đảm thông luồng lạch ra vào Cảng Hải Phòng để tiếp nhận sự viện trợ của bạn bè quốc tế và chi viện cho các chiến trường. Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng, Bác Hồ đã 3 lần gửi thư khen và tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; Đảng và Nhà nước trao tặng thành phố Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất và đặc biệt, năm 1985, thành phố được vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng.
Ra khỏi chiến tranh, Hải Phòng cùng cả nước lại đứng trước những khó khăn, thử thách cam go và không kém phần khốc liệt: Đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới và chính sách bao vây cấm vận, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trong đó Hải Phòng là một trọng điểm. Cùng với đó, nhược điểm của mô hình và cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp đã bộc lộ và trở thành lực cản với phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với bản lĩnh vững vàng, dày dạn kinh nghiệm, với tư duy năng động, sáng tạo, Hải Phòng đã nhanh chóng hồi sinh từ đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, từng bước đứng vững và vượt lên khó khăn, thách thức. Với tinh thần phát huy dân chủ, dựa vào dân, thực hiện phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra”, nghiên cứu tổng kết các mô hình hay, cách nghĩ, cách làm sáng tạo từ cơ sở; những tư tưởng mang tính đột phá trong thực hiện quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”; bản lĩnh, sự năng động cùng với kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng lại thêm một lần tỏa sáng. Hải Phòng luôn biết cách tìm ra những lối đi riêng mang tính bứt phá để vươn lên, tự hào đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và kết quả thực tiễn, góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân thành phố: “Hải Phòng là một trong những địa phương khởi phát của sự đổi mới tư duy lãnh đạo, từ phong trào khoán mới đến quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân vận khéo”… đã tạo những viên gạch đầu tiên hình thành đường lối đổi mới toàn diện của cả nước…”.
2. Những thành tựu đạt được qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới
Qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là:
2.1. Công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ được quan tâm, góp phần củng cố vững chắc tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ
Đảng bộ thành phố luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đã tạo nên sự thống nhất, vững vàng trong định hướng phát triển của thành phố. Tiên phong trong đổi mới tư duy, đề xuất nhiều cơ chế mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Công tác xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng với nhiều mô hình sáng tạo(). Việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được thực hiện quyết liệt, hiệu quả; chú trọng thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vi phạm, góp phần răn đe, phòng ngừa và giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Có nhiều đổi mới trong quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển và đào tạo cán bộ, bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các quy định của Đảng. Quan tâm phát triển tổ chức đảng, đảng viên mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và củng cố tổ chức đảng trong các đơn vị ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Các nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” được thực hiện triệt để, góp phần nâng cao tính răn đe và giáo dục trong Đảng. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp cũng được triển khai đồng bộ, bài bản, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đồng thời đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
2.2. Dân chủ xã hội được phát huy, đảm bảo người dân làm chủ, đồng hành và thụ hưởng thành quả cách mạng
Từ thực tiễn phường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) và xã Đông Sơn (huyện Thuỷ Nguyên) vào năm 1983, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đại hội VI (1986) của Đảng đưa vào Nghị quyết Đại hội và trở thành phương châm thực hiện thống nhất trong cả nước. Đến Đại hội XV, XVI Đảng bộ thành phố, qua thực tiễn, Thành uỷ đã bổ sung thành tố “dân thụ hưởng”, đây là luận cứ quan trọng để Đại hội XIII của Đảng đề ra quan điểm toàn diện về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng và kiên trì phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Dân chủ trong Đảng không ngừng được mở rộng và nâng cao; dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nhiều chuyển biến; phát huy dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều tiến bộ. Thành ủy và cấp ủy các cấp chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo. Vai trò liên minh chính trị và tập hợp, vận động Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội được tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, góp phần tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người dân đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trước khi ban hành. Công tác giám sát, phản biện xã hội có bước tiến rõ nét, lựa chọn nội dung, mở rộng hình thức giám sát theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị, những vấn đề dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của hội đồng tư vấn, người có uy tín, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức.
2.3. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách nhà nước và huy động vốn đầu tư trên địa bàn thành phố tăng vượt bậc, tạo nguồn lực phát triển thành phố
Quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Quy mô năm 2024 gấp 5,16 lần năm 2010, 3,4 lần năm 2015 và 2,34 lần năm 2020(). Là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn khoảng 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng(). Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2020 - 2025, tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 43% năm 2018 lên 43,86% năm 2024, trong đó, giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao đạt 66%, đều vượt các chỉ tiêu đề ra.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2024 đạt 109.387,6 tỷ đồng gấp 6,5 lần năm 2010(). Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2024 đạt 414.113 tỷ đồng, bằng 1,62 lần giai đoạn 2011 - 2015 (256.119 tỷ đồng). Huy động vốn đầu tư phát triển tăng đột phá, giai đoạn 2021 - 2024 đạt 759.263,4 tỷ đồng, bằng 3,73 lần giai đoạn 2011 - 2015 (203.604,03 tỷ đồng) và 1,45 lần giai đoạn 2016 - 2020 (523.270,31 tỷ đồng). Vốn thực hiện khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội().
Năng suất lao động tăng trưởng khá cao. Theo giá hiện hành, năm 2020 đạt 254,99 triệu/lao động, bằng 2,12 lần năm 2015 và 2,05 lần bình quân chung cả nước (124,4 triệu đồng); năm 2023 đạt 392,1 triệu đồng, bằng 1,97 lần bình quân cả nước (199,3 triệu đồng) và 1,54 lần năm 2020. Năm 2023, Hải Phòng nằm trong nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước, chỉ đứng sau Bà Rịa - Vũng Tàu (675,5 triệu đồng) và Quảng Ninh (405,7 triệu đồng).
2.4. Phát triển văn hóa toàn diện, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng thành phố và đất nước văn minh, hạnh phúc
Hải Phòng luôn đề cao, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống mang đặc trưng bản sắc Hải Phòng. Đặc biệt từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương, các hoạt động văn hóa đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội, tạo nguồn lực lớn cho xây dựng và phát triển, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Đến năm 2024, toàn thành phố có 555 di tích được xếp hạng các cấp; có 02 di sản văn hóa phi vật thể, 01 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh() và nhiều di sản tiêu biểu khác(). Giai đoạn 2018 - 2024, thành phố đã công trợ 52 tỷ đồng, các địa phương huy động xã hội hóa gần 230 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 146 di tích.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa thành phố lành mạnh, văn minh, hiện đại(). Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, duy trì, phát triển và đổi mới nội dung, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Hải Phòng được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội của Nhân dân, như: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Làng cá Cát Bà, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ…
Tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người rộng khắp ra cả nước và nước ngoài: Cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố được tổ chức từ năm 1992 kết thúc vào năm 2024(); Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Hải Phòng khát vọng vươn lên” được tổ chức trong 02 năm 2016 - 2017(); Cuộc thi Sáng tác các ca khúc về thành phố được tổ chức vào năm 2023()...
2.5. Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng con người Hải Phòng có tri thức, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Công tác giáo dục đào tạo của thành phố phát triển khá toàn diện, chất lượng được nâng lên. Giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao, liên tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế(); chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao(). Quy mô giáo dục tiếp tục ổn định, vững chắc cả về cơ cấu, loại hình trường lớp, cơ sở vật chất được tăng cường().
Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển theo hướng ứng dụng, thực hành bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kĩ thuật, công nghệ của thị trường lao động(). Đội ngũ nhân lực chất lượng cao có sự phát triển, thích nghi dần với cơ chế thị trường(). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm(), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng tăng từ 34% năm 2019 lên 39% năm 2024. Các trường đại học bước đầu thể hiện vai trò là trung tâm đào tạo của khu vực duyên hải Bắc Bộ, cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo các ngành nghề liên quan đến thế mạnh của thành phố, như: đóng tàu, vận tải biển, kinh tế biển, điện - điện tử, cơ khí, công nghệ ô tô, logistics, tài chính, xuất nhập khẩu... Lao động qua đào tạo tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và bước đầu có thể đảm nhận các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện().
Tập trung đầu tư phát triển Trường Đại học Hải Phòng() và một số trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố thành trường chất lượng cao, bảo đảm năng lực đào tạo lao động chất lượng cao, có kỹ năng nghề ở một số nghề trọng điểm, có lợi thế. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài theo từng ngành, lĩnh vực, đào tạo, tập huấn tại nước ngoài diện học bổng, thỏa thuận hợp tác từ chính phủ từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc… hoặc từ các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
2.6. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, thể chất của người dân
Số giường bệnh trên một vạn dân tăng từ 21,9 năm 2010 lên 28 năm 2020 và 45,9 năm 2024, cao hơn bình quân chung cả nước (42 giường). Số bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên 13,27 năm 2019 và 15,27 năm 2024, cao hơn bình quân chung cả nước (14 bác sĩ). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 88,41% năm 2019 lên 94,1% năm 2024. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đứng thứ 5, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đứng thứ 4 toàn quốc. Tuổi thọ trung bình tăng và luôn cao hơn trung bình của cả nước().
Mạng lưới khám chữa bệnh từ tuyến thành phố đến cơ sở được mở rộng, nâng cấp ở 3 cấp, bao gồm 2 lĩnh vực chính là y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Đến năm 2024, có 95% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. Là 1 trong 8 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình phòng khám Bác sỹ gia đình; có gần 200 bác sỹ được cấp chứng chỉ hành nghề, 15 phòng khám bác sỹ gia đình được thẩm định và cho phép triển khai hoạt động. Hệ thống y tế ngoài công lập đã phát triển nhanh, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, cơ bản đã khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến thành phố().
Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Bệnh viện tuyến thành phố tiếp tục duy trì thực hiện thường quy các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Các đơn vị tuyến huyện tích cực phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đã thực hiện thành thục các kỹ thuật như: Phẫu thuật cắt tử cung bán phần, toàn phần; phẫu thuật lấy sỏi mật, sỏi tiết niệu; phẫu thuật tuyến giáp, kết hợp xương; phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi chẩn đoán - can thiệp, một số kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng… Năm 2023, triển khai thành công kỹ thuật ghép tạng; năm 2024, tiếp tục thực hiện thành công 02 ca ghép thận và 02 ca ghép giác mạc, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế thành phố...
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 38% vào năm 2024. Phát triển đa dạng các loại hình với hơn 2.000 câu lạc bộ, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân, như các CLB: dân vũ, khiêu vũ thể thao, cầu lông, bơi lội, đua thuyền, cờ tướng; mô hình “Điểm rèn luyện thể chất công đoàn” của Liên đoàn Lao động thành phố; mô hình “Sân chơi cộng đồng”, “Khu vui chơi cho thanh thiếu nhi” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố...
2.7. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, điều kiện sống, mức sống để người dân có điều kiện phát triển toàn diện
Thực hiện hiệu quả phương châm “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”, đã rà soát, nghiên cứu và ban hành 15 nghị quyết với nhiều chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực an sinh xã hội(), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội: Đứng đầu cả nước về mức quà tặng đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng(); mức trợ giúp xã hội từ năm 2020 nâng lên bằng 1,4 lần mức chuẩn quy định; số đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp nâng lên(); tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng(); người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu được nhiều kết quả nổi bật, là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số 10 năm liên tiếp, tính đến năm 2024. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân. Giai đoạn 2021 - 2024 trung bình mỗi năm đã giải quyết việc làm cho 5,58 vạn lượt lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm dần qua các năm, từ 4,3% năm 2010 xuống 3,1% năm 2015, tăng lên 3,68% năm 2020 (do ảnh hưởng của COVID-19) và lại giảm xuống 3,5% vào năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.742USSD, năm 2015 đạt 2.857 USD, năm 2020 đạt 5.863 USD, năm 2024 đạt 8.665 USD bằng 4,97 lần năm 2010, 3,03 lần năm 2015 và 1,48 lần năm 2020…
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị đã góp phần quan trọng cải thiện rõ rệt về điều kiện sống của người dân thành phố. Tại khu vực đô thị, thành phố đã triển khai nâng cấp đô thị trung tâm, hoàn thành đưa vào sử dụng 08 công viên trên địa bàn các quận nội thành. Thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, kết quả đến năm 2024 đã có 11 dự án đang được triển khai với quy mô khoảng 91 ha với 20.941 căn hộ, đồng thời, triển khai cải tạo chung cư cũ, bước đầu đã đưa được một bộ phận người dân ra khỏi các khu chung cư cũ nát, mất an toàn.
2.8. Quốc phòng được tăng cường, an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại, hợp tác phát triển được triển khai đồng bộ, sáng tạo
Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm xây dựng thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Triển khai hiệu quả chủ trương biên chế công an chính quy về các xã trên địa bàn thành phố(); tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế có xu hướng giảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông thành phố được bảo đảm, cuộc sống của Nhân dân được bình yên.
Nâng cao chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, bảo đảm đúng, đủ chỉ tiêu theo quy định(). Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu đủ về số lượng, chất lượng, trình độ quân sự, chuyên môn giỏi; sắp xếp lực lượng dự bị động viên bảo đảm 100% cho các đầu mối đơn vị, quân số đạt trên 98%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 75% trở lên, tạo cơ sở để kịp thời phát triển lực lượng khi cần thiết. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, số lượng hợp lý đảm bảo tính cơ động().
Tập trung xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng; kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân; giữa an ninh, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng mô hình “Xã, thị trấn điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị” và kịp thời động viên, khen thưởng.
Đến năm 2024, Hải Phòng có giao thương với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ hợp tác hữu nghị/kết nghĩa với 26 địa phương ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Lào,...; có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Hải Phòng với 853 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư trên 24,5 tỷ USD; gần 50 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai chương trình, dự án, phi dự án tại Hải Phòng…
Giai đoạn 2020 - 2025 đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đón tiếp, bảo vệ an toàn cho 15 lượt tàu nước ngoài đến thăm và làm việc tại Hải Phòng; tham gia và tổ chức tốt các hoạt động giao lưu sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc, các hoạt động tuần tra liên hợp giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì an ninh trật tự, luật pháp quốc tế trên biển, bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên, sinh vật biển trong khu vực biển Vịnh Bắc Bộ, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau.
Tham gia ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 04 địa phương dọc theo trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái; đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban vùng và Diễn đàn Liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp; thành lập Tổ điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng tại Hải Phòng. Năm 2024, Hải Phòng triển khai chương trình hợp tác với 07 địa phương trong cả nước: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Đà Nẵng trong các lĩnh vực công thương, du lịch, hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải; từ đó góp phần tăng vị thế, uy tín của thành phố ở trong nước và trên trường quốc tế.
Phát huy truyền thống vẻ vang được hội tụ từ hàng ngàn năm của miền đất và con người Hải Phòng; truyền thống Trung dũng - Quyết thắng trong đấu tranh cách mạng và năng động, sáng tạo qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển thành phố; dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển Thành phố trở thành thành phố gương mẫu của cả nước như lời Bác Hồ đã căn dặn và thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định, tiếp tục đóng góp xứng đáng trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời giai tới./.
(Hết)
(Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hải Phòng)