Giới thiệu về phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng
Phường Phan Bội Châu nằm trên địa bàn trung tâm, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quận Hồng Bàng và thành phố Hải Phòng, một đô thị được hình thành thời cận hiện đại trên vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời.
Từ cuối thế kỷ XIX, làng An Biên và Da Viên (Gia Viên) trở thành “nhượng địa”, từng bước trở thành đô thị - Cảng biển lớn nhất miền Bắc. Địa bàn phường Phan Bội Châu (mới) trở thành khu phố trung tâm, phần lớn dành cho các cơ sở kinh tế, văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều nhà tư sản người Pháp, Hoa, Việt và người lao động. Các dinh thự, xưởng máy, nhà hàng, khách sạn... liên tiếp mọc lên, thu hút một lực lượng lớn lao động từ các tỉnh đến sinh sống, làm thợ, buôn bán... Tuy từ nhiều miền quê, lao động trên các lĩnh vực khác nhau nhưng mọi người sớm đoàn kết, chung tay vun đắp nên tình nghĩa xóm phố, góp công sức, trí tuệ, phấn đấu xây dựng cuộc sống, tích cực tham gia vào phong trào cách mạng và kháng chiến giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Khi miền Bắc được giải phóng, địa bàn phường Phan Bội Châu hiện nay được tổ chức thành nhiều tiểu khu. Ban Đại diện và nhân dân các tiểu khu tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuối năm 1979, trên cơ sở các tiểu khu nhỏ, hai tiểu khu mới là Phan Bội Châu và Phạm Hồng Thái được thành lập, năm 1981 đổi tên thành phường. Buổi đầu thành lập, tình hình chính trị, xã hội, an ninh trên địa bàn và đời sống nhân dân hai phường gặp rất nhiều khó khăn. Các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ, được nhân dân hết lòng ủng hộ đã vượt qua những khó khăn để xây dựng phường có những phát triển vượt bậc.
Phường Phan Bội Châu, tên của Nhà chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ 20, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của quận Hồng Bàng và của thành phố Hải Phòng. Tính đến giữa năm 2023, diện tích của phường là 28,59 ha, dân số 6.119 người, gồm 1.722 hộ, với 6 Tổ dân phố. Hoạt động kinh tế trên địa bàn phường chủ yếu là thương mại, dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công.
Xưa kia, địa bàn phường Phan Bội Châu thuộc đất của hai làng An Biên và Da Viên([1]), huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (từ năm 1831 là tỉnh). Làng An Biên trải dài từ ngã ba sông Cấm - Tam Bạc đến giáp làng Hàng Kênh (khu vực Hồ Sen), có lạch Liêm Khê (sông Lấp - hồ Tam Bạc). Theo tương truyền làng Vẻn (An Biên) do Nữ tướng Lê Chân chiêu dân đến khai phá vừa tạo dựng cuộc sống và vừa xây dựng lực lượng tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh tan quân đô hộ phương Bắc (40 - 43). Làng Da Viên giáp với làng An Biên, theo sông Cấm đến làng Lạc Viên vòng về khu vực sân vận động Lạch Tray hiện nay, gắn liền với nơi Đức vua Ngô Quyền đặt đại bản doanh chỉ huy diệt quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, năm 938.
Cho đến trước khi trở thành đô thị, từ đập Tam Kỳ dọc sông Tam Bạc ra sông Cấm, nơi đây là 2 làng nhỏ, dân cư thưa thớt, cuộc sống chủ yếu là chài lưới, trồng trọt. Đến đầu thế kỷ 18, thương gia nước ngoài, nhất là Trung Quốc và các địa phương khác theo đường biển, đường sông ghé vào bến Ninh Hải để buôn bán. Ngã ba sông Tam Bạc - lạch Liêm Khê, có bến Tam Kỳ (năm 1957 mới có đập Tam Kỳ chặn cửa sông Lấp) trở thành điểm buôn bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Chợ làng An Biên (sau là chợ Sắt) được hình thành, lúc đầu chỉ lợp lá, có hơn 10 gian bán gạo, tre nứa là chính. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày (âm lịch) 4, 9, 14, 19, 24, 29. Vào giữa thế kỷ 19, các thương nhân Trung Hoa, Pháp, Tây Ban Nha... phát hiện ra vị trí thuận tiện để đầu tư, buôn bán. Họ có nhiều khu chứa hàng, cửa hiệu, nhất là cửa hàng thu gom thóc gạo, lâm sản... để xuất khẩu. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1876, tổng đốc Hải An xin vua cho đặt trường mua gạo ở phố An Biên. Lúc đó có 100 nóc nhà, dân chúng buôn bán gạo tự do, có nộp thuế. Do vậy, chợ Sắt là một trong những thị trường buôn gạo xuất khẩu lớn vào cuối thế kỷ 19. Tàu bè theo sông vào bến Tam Kỳ.
Năm 1872, thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Hải. Sau Hoà ước năm 1874 (còn gọi là Hiệp Hòa ước Giáp Tuất), làng Da Viên (làng Cấm) và một phần làng An Biên (làng Vẻn) được triều đình Huế “nhượng” cho Pháp. Dân làng Da Viên và An Biên bị dồn đi các nơi để người Pháp xây dựng thành phố. Từ đó, khu vực này đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các nhà tư sản Pháp, Hoa đầu tư mở cửa hiệu, nhà máy, dinh thự, lập đường xá... Năm 1885, Công sứ Bon-nan (Bonnal) cho một công ty tư bản Pháp đấu thầu mở rộng, nắn thẳng lạch Liêm Khê tạo thành kênh vành đai, rộng 74 mét, dài 3 km, từ bến (đập) Tam Kỳ đến cảng nối với sông Cấm (gọi là kênh vành đai - Canal de Ceinture). Đất của nó được vượt lên lấp các hồ ao, đắp nền nhà, làm đường (phố Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh...)[2]).
Năm 1887, người Pháp cắt phần đất của tỉnh Hải Dương để lập tỉnh Hải Phòng. Năm 1888, thành phố Hải Phòng, nằm trong tỉnh Hải Phòng (năm 1898 tách khỏi tỉnh) được thành lập, được xếp loại đô thị cấp I như Hà Nội và Sài Gòn. Tốc độ đô thị diễn ra nhanh hơn. Các đường phố lần lượt được hình thành:
- Phố Lý Thường Kiệt, Tôn Đản (phần từ đầu phố Lãn Ông đến phố Phạm Hồng Thái) thời Pháp thuộc gọi là phố Sinoa (Rue Chinoise), phố khách; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được đặt tên là phố Tôn Trung Sơn và từ năm 1955 là Lý Thường Kiệt.
- Phố Tam Bạc nằm dọc ven sông Tam Bạc, lúc đầu gọi là Ke Marêxan Phốc (Quai, Maréchal Foch). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là Bạch Thái Bưởi và từ năm 1955 trở lại tên Tam Bạc.
- Phố Tôn Đản, trước có tên là phố Quảng Đông (Rue Canton), sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là phố Lý Thường Kiệt và từ năm 1955 được đặt là phố Tôn Đản. Tôn Đản là một thủ lĩnh dân tộc Nùng quê ở Lạng Sơn, được vua Lý sai cùng Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh vào đất Tống để phá âm mưu địch tập trung lực lượng xâm lược nước ta (1075).
- Phố Tôn Thất Thuyết lúc mới mở mang tên Pagốt (Rue de la Pagode-phố Đền, dân vẫn gọi là phố Nhà Bà) sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi là Nguyễn Đình Chiểu, từ năm 1954 gọi là phố Tôn Thất Thuyết.
- Phố Trạng Trình khi mới mở đặt là phố Foócmose (Rue Formose) dân chúng thường gọi là phố Hàng Cháo; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi là phố Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), từ năm 1963 đổi là phố Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm).
- Phố Quang Trung, lúc mới mở là đại lộ Savátxiơ (Boulevard Chavassieux). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi là Lê Lợi và từ 1955 là Quang Trung (Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ (1753 - 1792) là anh hùng kiệt xuất của dân tộc ta, có công thống nhất đất nước, đánh tan quân xâm lược).
- Phố Lãn Ông lúc mới mở gọi là phố Bắc Ninh (Rue Bắc Ninh), năm 1954 đổi là phố Lãn Ông.
- Phố Phan Bội Châu, lúc đầu là Tôngkinoa, phố Bắc Kì (Rue Tonkinoise). Sau khi Pháp đầu hàng Đức trong chiến tranh thế giới thứ 2 được đổi là phố Thông Chế Pêtanh (Rue Maréchal Pétain). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được đổi là phố Hồng Đức và từ năm 1955 là Phan Bội Châu (Phan Bội Châu (1867 - 1940) quê Nam Đàn - Nghệ An. Ông là nhà yêu nước nổi tiếng theo xu hướng dân chủ và chủ trương bạo động, đánh thực dân Pháp để giành độc lập dân tộc).
- Phố Phạm Hồng Thái, lúc mới mở có tên là Turan (Rue de Tourane) tên thành phố Đà Nẵng. Sau Cách mạng Tháng Tám là Nguyễn Văn Phúc và từ năm 1955 là Phạm Hồng Thái (Ông tên thật là Phạm Thành Khôi, quê Nghệ An, tham gia tổ chức yêu nước, ám sát hụt tên toàn quyền Đông Dương đến Quảng Châu vào tháng 4/1924).
- Phố Nguyễn Thái Học, lúc mới mở mang tên là LaoKay (Rue LaoKay), tên con tàu mà tên lái buôn kiêm gián điệp Pháp xâm nhập trái phép vào Cửa Cấm ngược sông Hồng lên Lào Cai để lập kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1872. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là phố Chợ Sắt và từ năm 1955 mang tên Nguyễn Thái Học (Ông là người tỉnh Vĩnh Phúc, sáng lập và đứng đầu Việt Nam quốc dân Đảng, tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp xâm lược).
- Phố Ký Con, lúc đầu là Rue Fou Tchéou (Phúc Châu). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là phố Phan Thanh Giản, rồi Hoàng Hoa Thám, năm 1955 là Ký Con.
- Phố Hoàng Ngân, lúc mới mở mang tên Sài Gòn (Rue Saigon), năm 1954 đổi là Nguyễn Du và từ sau giải phóng đổi là Hoàng Ngân.
Khu vực phường Phạm Hồng Thái (cũ) này ngày càng sầm uất bởi chợ Sắt nổi tiếng, hàng hóa và sự mua bán diễn ra dọc sông Tam Bạc, đập Tam Kỳ, kênh Bonnan. Phố xá được quy hoạch theo kiểu đô thị châu Âu. Đường phố được rải nhựa, kiến trúc là sự kết hợp, xem kẽ giữa kiểu dáng phương Tây với phương Đông, nhất là của những thương nhân người Hoa. Đường phố hẹp, nhà chủ yếu là hai tầng, trên ở, dưới mở hiệu. Đây là khu vực buôn bán nên ít có biệt thự, nhà hàng lớn cao tầng. Năm 1888, Balô (Baluard) thuê sở Carông (xưởng Cơ khí sửa chữa tàu thuyền) làm lại chợ An Biên, lấy tên là Chợ Lớn, nhân dân vẫn quen gọi là chợ Sắt. Chợ Sắt nổi tiếng khắp cả nước. Ai đến Hải Phòng cũng đều đến “chơi” chợ Sắt và chợ Sắt đã đi vào ca dao Hải Phòng:
Đầu sông cho chí ngọn nguồn
Anh về chợ Giám, anh buôn gánh trầu.
Chợ Sắt cất gánh buôn cau
Chợ Huyện buôn bấc, buôn dầu, buôn nhang
Trên địa bàn phường Phan Bội Châu cũ thời đó, phố xá được xây dựng, sông Tam Bạc nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, buôn bán sầm uất. Hàng hóa đủ các sản vật của miền ngược, miền xuôi, miền biển, đồ kỹ nghệ, nguyên nhiên liệu... đều có mặt ở chợ Sắt. Đường phố chất đầy hàng hóa. Dưới sông tàu thuyền neo đậu. Cuộc sống của dân cư cũng rất nhiều thứ hạng, nếp sống ồn ã. Những người nhiều tiền nhà cao cửa rộng. Những người nghèo buôn thúng bán mẹt, lao công, cuộc sống khó khăn, nhà cửa lụp xụp bám sát mép nước. Cuộc sống rất khó khăn, lam lũ nhưng đa số người lao động yêu nước đã theo Đảng, Bác Hồ tiến hành cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc của bản thân.
([1]) Da Viên (vườn dừa), sau này đọc và viết chệch là Gia Viên.
([2]) Năm 1925, người Pháp lại cho lấp đi nhưng chủ hãng sửa chữa tàu thuỷ Carông (nằm ở vị trí Xí nghiệp Thảm len Hàng Kênh) kiến nghị để lại một đoạn cho tàu bè ra vào xưởng. Kiến nghị đó được chấp nhận với điều kiện hãng phải bắc cầu qua kênh. Cây cầu sắt (từ đường Nguyễn Đức Cảnh sang đường Quang Trung ở đoạn đầu đường Phạm Hồng Thái), được ghi là cầu Chợ (gần chợ Sắt) nhưng dân chúng vẫn quen là cầu Carông (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi là cầu Nguyễn Khắc Nhu và năm 1953 đổi tên là cầu Sông Lấp và năm 1955 phải dỡ bỏ do bị hư hại nhiều).