Bảo tồn, phát huy giá trị khu phố kiến trúc Pháp tại quận Hồng Bàng: Biến di sản thành nguồn lực phát triển (Kỳ 1)
(HPĐT)- Hơn một trăm công trình kiến trúc Pháp cổ hình thành từ hàng trăm năm trước, được gìn giữ và sử dụng cho đến ngày nay, trong đó một số công trình là “nhân chứng” đặc biệt và duy nhất của lịch sử xây dựng đô thị Hải Phòng nói riêng, đô thị Việt Nam nói chung, là tài nguyên quý giá trên địa bàn quận Hồng Bàng. Với mong muốn phát huy, khai thác hiệu quả cao giá trị di sản, trở thành nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển, quận Hồng Bàng đang tập trung xây dựng đô thị di sản, xứng tầm là trung tâm văn hóa của thành phố.

Bưu điện thành phố là một trong những công trình kiến trúc Pháp đẹp nhất Hải Phòng. Ảnh: TRUNG KIÊN
Kỳ 1: Tài sản vô giá về nhiều mặt
Nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch đô thị đánh giá, di sản kiến trúc và đô thị thuộc địa Pháp ở Hải Phòng, đặc biệt tại khu vực trung tâm là một tài sản vô giá của thành phố. Trong tương lai, Hải Phòng tiếp tục được mở rộng ra nhiều hướng, nhưng khu phố Pháp sẽ vẫn luôn giữ vai trò hạt nhân quan trọng, nhất là những công trình kiến trúc Pháp cổ ở quận Hồng Bàng.
Từ khu phố Pháp năm xưa đến quận Hồng Bàng hôm nay
Theo các tài liệu về lịch sử, địa chí Hải Phòng, năm 1872, thực dân Pháp đánh chiếm vùng đất Hải Phòng rồi buộc nhà Nguyễn nhượng 7 ha khu vực ven sông Cấm, ngày nay là khu vực từ chân cầu Lạc Long đến phố Trần Hưng Đạo. Việc xây dựng đô thị tại khu vực nhượng địa được người Pháp quy hoạch bài bản, gồm các cơ quan hành chính xen lẫn nhà ở. Những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa mở rộng không gian đô thị Hải Phòng bằng việc kéo dài trục đường Paul Bert (nay là đường Điện Biên Phủ) và đường Amira Courbert (nay là đường Hoàng Văn Thụ), hình thành đường Paul Doumer (nay là đường Cầu Đất). Đó là lý do công trình kiến trúc Pháp cổ tập trung phần lớn tại các phố trung tâm của quận Hồng Bàng, nên thường được gọi là khu phố Pháp. Theo nghiên cứu, thành phố có hơn 300 công trình công cộng và biệt thự kiểu Pháp, trong đó có 89 công trình có giá trị cao, có ý nghĩa lịch sử cần bảo tồn và phát huy. Trong số này, trên địa bàn quận Hồng Bàng có 113 công trình, gồm 50 công trình có giá trị cao về lịch sử, văn hóa. PGS.TS Nguyễn Hồng Thục (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) nhận xét: Những di sản kiến trúc Pháp ở khu trung tâm thành phố Hải Phòng rất may mắn không bị xáo trộn nhiều. Từ đó, có thể khai thác để sử dụng phục vụ du lịch di sản. Di sản đô thị với kiến trúc Pháp ở đây chính là "nồi cơm du lịch di sản".
Tương tự, TS, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân (Trường đại học Phương Đông) cho biết, khu phố Pháp nằm trên địa bàn quận Hồng Bàng có niên đại hình thành sớm (1874- 1888), có thể nói là đầu tiên ở miền Bắc, cùng thời với khu phố Pháp của Hà Nội. Căn cứ theo các bản đồ, khu phố Pháp xưa chính là khu trung tâm đô thị Hải Phòng, tập hợp đầy đủ các phong cách tiêu biểu ở Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, từ thực dân tiền kỳ, cổ điển, tân cổ điển, địa phương Pháp..., đến Đông Dương, Neo Gothic, Art Decor và cận hiện đại. Đặc biệt đáng quý là gần như toàn bộ các công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc ở đây đều được dùng làm trụ sở các cơ quan công quyền của thành phố, nên khu phố Pháp vẫn bảo đảm sự toàn vẹn cho đến nay. Đây vốn là việc rất khó giữ gìn, nhất là ở các thành phố lớn trong quá trình tồn tại, phát triển hơn 100 năm qua.

Nhà hát thành phố, công trình kiến trúc thời Pháp gắn liền những sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng
của thành phố và đất nước. Ảnh: DUY LÊ
Những giá trị to lớn, đặc sắc, riêng có
Kiến trúc tại khu phố Pháp được định dạng làm hai loại. Thứ nhất là nhà phố, biệt thự, dinh thự, trường học được thiết kế theo phong cách địa phương Pháp và sau này là phong cách kiến trúc Đông Dương. Thứ hai là các công trình công cộng mang phong cách cổ điển, tân cổ điển châu Âu như Nhà hát thành phố và quảng trường nhà hát, Ngân hàng PhápHoa (nay là Bảo tàng thành phố), Bưu điện Hải Phòng... Kiến trúc Pháp ở Hải Phòng có dấu ấn riêng so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Theo TS, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân, về trang trí và vật liệu sử dụng, các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc trong khu phố Pháp Hải Phòng có nét khỏe khoắn, thô ráp đặc trưng của vùng cửa biển. Đặc biệt, khu phố Pháp có sự kết hợp các thành phần cảnh quan sông nước, kênh đào, hồ, các vườn hoa.
Một vẻ đẹp, giá trị mang bản sắc riêng nữa của di sản kiến trúc đô thị Pháp tại Hải Phòng là kiểu đô thị pha trộn giữa chức năng cư trú, thương mại, phòng thủ với sản xuất công nghiệp, cảng biển. Ngay từ khi được thành lập năm 1888, người Pháp định hướng Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả Đông Dương. Do đó, khu vực quận Hồng Bàng lưu giữ nhiều dấu ấn về vai trò tiên phong của Hải Phòng trong tiến trình phát triển công nghiệp tại Việt Nam. Sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945- 2010" ghi lại, nhà máy điện đầu tiên của Đông Dương được xây dựng là tại Hải Phòng vào tháng 4-1892, đó là Nhà máy điện nhiệt than mang tên Nhà Đèn Vườn Hoa. Trụ sở Điện lực Hải Phòng nay chính là Nhà đèn Vườn hoa năm xưa. Cảng Hoàng Diệu (Bến Sáu kho xưa) đang là cảng duy nhất trên cả nước có đường sắt kết nối cảng biển. Ngay từ cuối thế kỷ 19, Nhà máy xi măng Hải Phòng được xây dựng, cùng nhiều cơ sở công nghiệp điển hình khác như cơ khí “Ca-rông”, “Comben”, “Sắc-rích”, “Rô-be”, nhà máy xay, đúc đồng... trong khu vực đô thị.
Theo TS, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân, trên thế giới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến cảng,… qua thời gian trở nên cũ kỹ, lạc hậu, song lại chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc to lớn. Nhiều di sản công nghiệp được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hơn nữa, các di sản công nghiệp ở Hải Phòng đang có được lợi thế mà không ở nơi nào có được và còn giữ được, đó là khả năng liên kết bằng tuyến đường sông, mà tuyến chính là sông Cấm. Cơ hội để tổ chức các tuyến du lịch sông nước, kết hợp tham quan các di sản công nghiệp, trải nghiệm các mô hình văn hóa mới… tại Hải Phòng là rất sáng lạn.
Nhiều công trình kiến trúc thời Pháp tại quận Hồng Bàng gắn liền với những sự kiện lịch sử chính trị quan trọng của thành phố và đất nước. Bưu điện thành phố được coi “cái nôi” của giao thông liên lạc cách mạng. Ngày 20-10-1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước. Nơi Người đặt chân đầu tiên sau chuyến công du dài ngày chính là bến Ngự (điểm đầu của đường Hoàng Văn Thụ - Hải Phòng ngày nay). Đây cũng là lần đầu Bác thăm thành phố Cảng. Cùng với Đài tiếng nói Việt Nam, Bưu điện thành phố Hải Phòng chuyển lời của Bác, kêu gọi nhân dân cả nước cảnh giác trước dã tâm xâm chiếm, đô hộ Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Và ngày 20-11-1946, tại Nhà hát lớn thành phố diễn ra trận chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ Vệ quốc đoàn bảo vệ thành phố Hải Phòng, là “cuộc tập dượt” để chưa đầy một tháng sau đó, quân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước nhất tề tiến hành toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là những giá trị rất to lớn về lịch sử nói chung, lịch sử cách mạng nói riêng gắn liền với di tích, bên cạnh các giá trị văn hóa, kiến trúc.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ